Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

30/01/2023

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được cho là đã bắt đầu từ vài năm gần đây, tập trung chủ yếu vào sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano. Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng cái tên “cách mạng công nghiệp lần thứ 4” mới có tính chất dự báo và chưa xảy ra.

 

Để thực sự bước vào cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta cần biết mình đang ở đâu trong các cuộc cách mạng công nghiệp đã xảy ra và đã có những yếu tố nào của cách mạng công nghiệp 4.0? Ta muốn đến đâu, muốn có vị trí nào trên bản đồ phát triển của thế giới khi rất nhiều quốc gia khác cũng sẽ cách mạng công nghiệp 4.0?
Sau nữa, cần nhìn cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng của sản xuất thông minh nhưng không nhất thiết chỉ là các lĩnh vực của sản xuất công nghiệp. Cốt lõi là ta có thể thực hiện đến đâu sự thay đổi phương thức sản xuất mới này trong những việc ta muốn và cần làm.

Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cơ hội phát triển cho Việt Nam, bởi cuộc cách mạng công nghiệp này không nhằm vào công nghiệp, là lĩnh vực ta có khoảng cách rất lớn so với các nước phát triển, như những lần trước đó. Nó nhằm vào công nghệ số, đem tiến bộ của công nghệ số tới mọi lĩnh vực khác. Nếu xét về công nghiệp ô-tô, công nghiệp robot… ta có thể cách các nước phát triển nhiều chục năm, thậm chí cả trăm năm, nhưng ta có thể cách không xa các nước này ở một số công nghệ số, nếu có cách làm.

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động lên mọi người và có sự tham gia rộng rãi của nhân dân, nhưng trước hết được tạo ra và thúc đẩy bằng chiến lược và chính sách quốc gia, bởi thay đổi mạnh mẽ của các doanh nghiệp, và bởi lực lượng tinh hoa của khoa học và công nghệ đất nước. Cách mạng công nghiệp 4.0 không thể làm chỉ bởi ý chí mà phải bằng tri thức, bằng những công nghệ tiên tiến của TTNT, của khoa học dữ liệu, của kết nối thế giới thực và không gian số, của công nghệ sinh học và khoa học vật liệu…

Điều may mắn là cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra trên các tiến bộ của công nghệ số, của học máy và khoa học dữ liệu, những lĩnh vực cần có nền tảng của toán học sâu sắc. Chúng ta đào tạo tương đối tốt về toán học, công nghệ thông tin và có khả năng đào tạo tốt hơn. Xây dựng được lực lượng, phát triển khoa học dữ liệu và sử dụng được khoa học dữ liệu rộng rãi sẽ cho phép ta thu hẹp khoảng cách số trong nhiều lĩnh vực, có thể tạo ra sự đột phá cho nhu cầu phát triển của đất nước. Việc làm chủ được công nghệ số đòi hỏi đầu tư hiệu quả cho các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng chọn lọc, cần rất nhiều thay đổi ở các viện, trường và doanh nghiệp, cũng như cách làm của Nhà nước.

Phần mềm công nghệ thông tin

Phần mềm thịnh hành