Nguyên nhân khiến máy tính Windows chạy chậm và cách khắc phục

30/01/2023

Thông thường, các máy tính thường gặp nhiều vấn đề sau một thời gian dài sử dụng. Nhiều người sử dụng thường “đổ lỗi” do cấu hình máy, do lượng ứng dụng cài đặt nhưng không hẳn thế. Nếu biết cách sử dụng, các bạn sẽ cải thiện nhiều hoạt động, nâng cao hiệu suất.

Máy tính Windows bị chậm cho dù bạn không cài nhiều ứng dụng có thể do những nguyên nhân sau:

1. Không dọn dẹp thư mục Temporary Files

Hệ điều hành Windows có một thư mục hệ thống dành riêng để giữ các tập tin tạm thời (Temporary Files). Thư mục Temp của Windows là nơi chứa các “file tạm”, tức là các file được các chương trình khác sử dụng (đã và đang sử dụng). Khi bạn dùng một phần mềm nào đó, chúng sẽ tạo ra các file tạm thời trong thư mục temp để sử dụng. Ngoài ra, chúng cũng chứa các tập tin đã tải về từ trình duyệt khi mở các trang web.

Về cơ bản, bạn có thể xóa các tập tin tạm trong thư mục Temporary Files của Windows bằng cách dùng tiện ích Disk Cleanup. Hãy vào mục Control Panel của Windows rồi chọn Administrative Tools > Disk Cleanup. Lúc này, Disk Cleanup sẽ phân tích ổ đĩa hệ thống của máy tính (mặc định thường là ổ C:/) và hiển thị tất cả tập tin tạm mà bạn có thể xóa. Hãy đánh dấu chọn vào mục Temporary Internet Files và nhấn OK để hệ điều hành bắt đầu quá trình xóa toàn bộ các tập tin tạm đã lưu khi lên mạng Internet.

2. Không chạy Disk Defragment để sắp xếp ổ đĩa

Một ổ đĩa có các tập tin bị sắp xếp rời rạc (fragment) chắc chắn sẽ gặp nhiều trục trặc hơn trong quá trình truy xuất. Về mặt kỹ thuật, máy tính Windows không chỉ đơn thuần ghi đè lên tập tin gốc khi lưu dữ liệu (chẳng hạn như tài liệu Word hoặc Excel). Thay vào đó, các tập tin sẽ được lưu vào những phần khác nhau của ổ đĩa. Sau một thời gian sử dụng, các dữ liệu trên ổ đĩa cứng không được sắp xếp một cách hợp lý nhất, do đó khi muốn sử dụng các dữ liệu này hệ thống sẽ mất nhiều thời gian hơn để tìm và gọi các dữ liệu đó.

Do đó, bạn nên tiến hành thực hiện dồn đĩa để chống phân mảnh (defragment) một hoặc hai lần mỗi tháng. Tuy nhiên, lưu ý là lời khuyên này chỉ nên áp dụng cho máy tính sử dụng ổ đĩa cứng HDD truyền thống và không nên thực hiện đối với máy tính trang bị ổ SSD. Giải pháp này cũng đặc biệt hữu ích cho những người dùng muốn tiết kiệm thời gian, thường xuyên chỉnh sửa và lưu trữ các loại tập tin khác nhau vào máy tính.

Disk Defragment là tính năng chống phân mảnh của Windows. Để thực hiện, hãy sử dụng công cụ Disk Defragment của Windows bằng cách vào Control Panel > Administrative Tools > Disk Defragmenter (đối với Windows 7 trở về trước) hay Defragment and Optimize Drives (đối với Windows 8 trở về sau).

Ngay sau đó, một cửa sổ sẽ hiển thị các ổ đĩa đang có trên máy tính và mặc định sẽ tự động chọn ổ đĩa hệ thống (thường được đặt tên là C:/). Bạn có thể chọn nút Analyze để phân tích ổ đĩa giúp hiển thị tỷ lệ phần trăm của sự phân mảnh hiện tại trên ổ cứng, hoặc chọn nút Optimize (hoặc Defragment) để bắt đầu chống phân mảnh.

Quá trình sắp xếp ổ đĩa cứng thường tốn rất nhiều thời gian, đặc biệt là đối với ổ cứng dung lượng lớn hay đối với hệ thống đã sử dụng quá lâu khiến xuất hiện nhiều sự phân mảnh. Vì vậy, bạn được khuyên rằng nên chạy tính năng Disk Defragment khi không cần sử dụng máy tính, chẳng hạn có thể lên lịch chạy vào ban đêm. Sau khi quá trình sắp xếp ổ đĩa đã hoàn thành, hãy khởi động lại máy tính của bạn. Bạn sẽ cảm thấy sự khác biệt đáng kể về tốc độ khi mở và truy cập các tập tin, khi chơi game hay sử dụng các ứng dụng.

3. Không tối ưu hóa giao diện GUI

Cho đến nay, điều chỉnh tối ưu hóa giao diện người dùng đồ họa GUI (graphical user interface) là một trong những phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất để tăng tốc cho máy tính. Việc điều chỉnh giao diện người dùng về mặt kỹ thuật sẽ cho hiệu suất tốt nhất.

Để thực hiện, hãy nhấn nút phải chuột vào My Computer (đối với Windows 7) hay This PC (đối với Windows 8/Windows 10) rồi chọn Properties > Advanced System Settings. Trong thẻ Advanced, hãy nhấn nút Settings trong mục Performance để làm xuất hiện cửa sổ Performance Options.

Từ đây, trong thẻ Visual Effects bạn sẽ thấy xuất hiện 4 tùy chọn: Let Windows choose what’s best for my computer, Adjust for best appearance, Adjust for best performance và Custom. Mặc định, Windows sẽ thiết lập ở chế độ tự điều chỉnh “Let Windows choose what’s best for my computer”. Tuy nhiên, bạn có thể chuyển sang tùy chọn Best Performance nếu muốn hệ thống có hiệu năng tốt nhất, tùy chọn Best Appearance nếu muốn hệ thống hiển thị tối ưu nhất hay tùy chọn Custom để tùy biến theo ý mình.

4. Thiết lập quá nhiều phần mềm tự chạy khi khởi động

Quá nhiều ứng dụng, hoặc có các ứng dụng nặng được đặt chế độ tự động khởi chạy khi bật máy sẽ làm hệ thống của bạn chậm đi đáng kể.

Một vài trong số các ứng dụng cung cấp các chức năng cần thiết, tuy nhiên có những dịch vụ không cần thiết và làm giảm đáng kể thời gian khởi động máy tính.

Bạn có thể kiểm tra danh sách Startup bằng nhấn tổ hợp phím tắt Windows Key R để mở trình đơn Run, sau đó gõ vào cụm từ msconfig và nhấn OK. Dòng lệnh này sẽ mở khung điều khiển System Configuration Tools. Trong thẻ Startup, bạn sẽ thấy tất cả các chương trình tự khởi chạy. Để kích hoạt hay vô hiệu hóa, hãy nhấn nút phải chuột vào chương trình mà bạn muốn cấu hình rồi nhấn chọn Enabled hay Disabled. Lưu ý là hãy kiểm tra xem chương trình đó có phải là một chương trình cần thiết cho hệ điều hành Windows, hay chỉ là một phần mềm rác do virus hay malware tạo ra.

5. Bảo vệ máy tính bằng các phần mềm chống virus nặng nề

Hiện nay có rất nhiều phần mềm chống virus mà người dùng Windows có thể lựa chọn. Tuy nhiên, đa số các phần mềm này đều khá đồ sộ nên đòi hỏi nhiều tài nguyên máy tính để xử lý. Do đó, một lựa chọn đáng tin cậy khác đã được giới thiệu từ lâu là công cụ Windows Defender. Nhờ thiết kế đơn giản, yêu cầu cấu hình thấp và danh sách virus không ngừng được cập nhật, Windows Defender là một lựa chọn đáng giá cho những người dùng muốn chống virus một cách hiệu quả.

Windows Defender là công cụ chống virus tích hợp sẵn của Windows.

Nếu đang sử dụng các phiên bản Windows 8, Windows 8.1, Windows RT, Windows RT 8.1 hay Windows 10, công cụ Windows Defender đã được cài đặt sẵn trong hệ thống. Đối với các phiên bản Windows cũ hơn, bạn có thể tải về bộ phần mềm Microsoft Security Essentials có chứa Windows Defender.

Sau khi cài đặt và khởi chạy Windows Defender, bạn có thể chọn các tùy chọn Quick Scan hoặc Full Scan tương ứng với chế độ quét nhanh hay quét toàn bộ máy tính. Để máy tính luôn bảo vệ, hãy bấm vào thẻ Settings và kích hoạt tùy chọn “Turn on real-time protection” để giữ cho Windows Defender luôn ở chế độ chạy nền và quét virus theo thời gian thực. Ngoài ra, nên quét toàn bộ máy tính một lần mỗi tháng để kiểm tra máy có bị nhiễm virus hay phần mềm độc hại hay không. Đây là một việc cần thiết để tối ưu hiệu suất cho Windows.

(Tham khảo Internet)

Phần mềm công nghệ thông tin

Phần mềm thịnh hành